logo
Ca COVID-19 và sốt xuất huyết có thể tăng, bùng phát diện rộng, kiên quyết không để dịch chồng dịch

nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử...

Số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng

Bộ Y tế ngày 10/7 đã có văn bản hoả tốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành. Theo Bộ Y tế dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố và sớm hơn năm 2021 do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Kết quả kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian vừa qua cho thấy một số vấn đề tồn tại như: tại các hộ gia đình nhiều ổ lăng quăng (bọ gậy) không được xử lý; chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng; công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh; thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Trong hơn hai năm tập trung nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, đội ngũ cán bộ y tế dự phòng và cán bộ điều trị chưa được tập huấn, tập huấn lại, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân về bệnh dịch sốt xuất huyết.

 

Dịch sốt xuất huyết đang lan rộng và số ca mắc tăng nhanh nhưng nhiều gia đình vẫn chủ quan, vẫn để môi trường tạo thuận lợi cho lăng quăng phát triển. Ảnh: PV

Bộ Y tế dự báo số ca COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể:

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động phòng, chống dịch bệnh, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu.

Huy động các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bán và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Tổ chức tốt phân tuyến, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong do sốt xuất huyết

Đối với Sở Y tế các địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Chỉ đạo triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch, khu vực có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trên cơ sở chỉ định dịch tễ, điều tra véc tơ. Kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).

Đối với Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ngành y tế tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch đến tận hộ gia đình và cộng đồng... Tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về diệt lăng quăng (bọ gậy), các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển để phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại trường học. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu đáp ứng phỏng, chống dịch bệnh; sẵn sàng cơ số thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, dịch truyền cao phân tử, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương, đơn vị giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh. Nguồn: Bộ Y tế

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận